Thursday, November 28, 2013

Wednesday, November 27, 2013

Tự đốt đuốc mà đi - thaidn

Lượn lờ net tìm được bài khá hay.
Ráng đọc hết
Nguồn: internet



(Mượn lời tựa một bài viết của anh Giáp Văn Dương)

Trong một bài viết trên blog này tôi có nói hối tiếc lớn thứ nhì trong "sự nghiệp" học tập của tôi là đã không tốt nghiệp đại học và hối tiếc lớn nhất là tôi đã không nghỉ hẳn việc học đại học. Hôm nay tôi muốn nói một chút về suy nghĩ này, nhân dịp đọc bài đã dẫn của anh Dương cũng như bài của một bạn sinh viên về việc mất định hướng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Tôi học đại học rất tệ. Thời gian đến trường đến lớp của tôi rất ít. Chủ yếu tôi chỉ học khi còn một vài ngày nữa là thi. Tôi thường hay nói là vì tôi bận đi làm, nhưng thật ra nếu cố gắng, tôi nghĩ tôi cũng sẽ có thể vừa học vừa làm. Chủ yếu vì tôi làm biếng. Kết quả là sau hơn 5 năm ngoài việc nợ một vài môn chuyên ngành, tôi còn nợ một môn cần thiết để làm luận văn. Tôi quyết định nghỉ, chứ không đi học lại những môn đó nữa.

Tôi chọn học ngành công nghệ thông tin vì tôi cảm thấy tôi thích ngành này. Đây cũng là một ngành thời thượng lúc bấy giờ. Ở thời điểm bắt đầu học đại học thì mục tiêu của tôi rất rõ ràng: tốt nghiệp đại học rồi đi làm kỹ sư an toàn thông tin. Điều buồn cười là lúc đó tôi không biết làm an toàn thông tin là làm gì. Tôi nghĩ đây cũng là tình trạng chung của nhiều bạn bè của tôi. Đa số chúng tôi chọn ngành học vì một sở thích mơ hồ, rồi cố theo đuổi mà dần dà trở thành một sở thích thật sự, hoặc là vỡ mộng rồi lụi tàn.

Trong suốt quá trình học đại học, những gì trường đại học cung cấp cho tôi cũ kỹ và có vẻ như rất thiếu thực tế so với những gì mà tôi thấy trong quá trình làm việc bên ngoài. Làm sao mà tôi thích đi học khi mà những hệ thống mà tôi xây dựng và quản trị ở công ty đang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ, trong khi trường lại dạy những kiến thức tưởng chừng như chẳng ăn nhập vào đâu.

Bây giờ nhìn lại thì tôi thấy nội dung và cách dạy của từng môn học thì đúng là lạc hậu, nhưng toàn bộ giáo trình đại học mà tôi học vẫn cung cấp được một cái sườn kiến thức rất cần thiết cho một kỹ sư công nghệ thông tin. Dựa trên cái sườn này, nếu biết cách tự học thì cũng sẽ thu được một lượng kiến thức đáng kể. Nhưng lúc là sinh viên, thiếu cái nhìn toàn cảnh, thiếu kinh nghiệm, tôi không có cách nào hiểu được như vậy.

Tôi chẳng đổ thừa trường mà tôi học hay các thầy cô. Tôi có nguyên tắc: cái gì tôi làm không được là lỗi của tôi! Cũng có nhiều bạn học như tôi và vẫn học tốt. Dẫu vậy tôi nghĩ điều mà tôi không hài lòng, để rồi dẫn tới việc chán học, là đại học đã không như tôi kỳ vọng. Tôi nghĩ đây cũng không phải là suy nghĩ của cá nhân tôi. Nhiều bạn sinh viên mới vào đại học cũng thường đặt ra những kỳ vọng cao đẹp về đại học.

Bây giờ nhìn lại thì tôi thấy mình ngây thơ quá. Đó là lỗi của tôi. Thử hỏi xem thời nay có ai điên khùng đi kỳ vọng vào chất lượng của một đơn vị do nhà nước quản lý? Có bao giờ bạn đi làm giấy tờ, đi khám bệnh viên công, hay đơn giản như là chạy xe ngoài đường v.v. mà bạn cảm thấy mình được phục vụ một cách chu đáo, hay là đường xá chất lượng tốt, thông thoáng, an toàn đúng như bạn mong muốn?

Các trường đại học, kể cả trường được xem là tốt như trường mà tôi đã học, thật sự chẳng có bất kỳ động lực gì để đáp ứng kỳ vọng của sinh viên cả (nhìn rộng ra thì không chỉ trường đại học mà cả thể chế xã hội hiện tại ở Việt Nam chẳng có bất kỳ động lực gì để mà đáp ứng kỳ vọng của mỗi cá nhân cả, nhưng chuyện này nói sau). Thậm chí nói không ngoa, các trường cũng không có động lực để nâng cao chất lượng giảng dạy. Người muốn làm sinh viên thì nhiều, mà trường đại học thì ít, thành ra cầu bao giờ cũng nhiều hơn cung. Nếu trường có tiếng một chút, thì khỏi phải lo đầu vào. Sinh viên vào trường rồi thì ít khi chuyển đi chỗ khác. Bọn sinh viên cũng toàn lũ ngây dại, có dạy dở thì chúng cũng chỉ có hai cách: bỏ học hoặc cắn răng mà học cho xong, cấm có phàn nàn.

Trường được xem là tốt chủ yếu là do hai lý do: sinh viên đầu vào tốt và những nỗ lực cá nhân của một số thầy cô. Vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng. Thầy tốt sẽ làm thay đổi khoa, khoa tốt làm thay đổi cả trường. Làm thế nào để có thầy giỏi? Lương bổng là một vấn đề lớn, một con voi trong phòng của giáo dục Việt Nam, thành ra chỉ còn có thể kỳ vọng vào những người thật sự yêu thích việc dạy học và có kiến thức ở mức chuyên gia về lĩnh vực mà họ muốn dạy. Nhưng tiếc thay tôi nghĩ những người như vậy chỉ là thiểu số.

Phần đông giảng viên đại học mà tôi được học rơi vào hai nhóm. Nhóm những thầy cô đã lớn tuổi và họ dạy đi dạy lại một hai môn trong suốt nhiều năm liền mà không có bất kỳ cải tiến gì về giáo trình. Rất ít người là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực mà họ giảng dạy và xem tiểu sử của họ thì không có ai đã hoặc đang làm việc gì khác ngoài việc giảng dạy. Nhóm thứ hai là sinh viên mới ra trường, được giữ lại trường rồi đi dạy. Những người này có thật sự thích việc dạy học hay không đã là một dấu hỏi lớn (vì đa số ở lại trường vì muốn đi du học), nhưng rõ ràng trình độ của họ không đủ để dạy đại học, mặc dù có thể họ năng động hơn nhóm thứ nhất.

Như vậy chỉ còn hi vọng vào sinh viên đầu vào, nghĩa là sinh viên phải dựa vào chính mình. Phải tự đốt đuốc mà đi.

Xã hội chỉ phát triển khi mà những người đi trước vẫn trồng cây mặc dù họ biết là họ sẽ không bao giờ được hưởng bóng mát của chúng. Hãy nhìn vào xã hội của chúng ta và hãy hiểu rằng chuyện đó là cổ tích, ít nhất là trong những năm hiện tại. Có phải đã có ông nghị sĩ từng tuyên bố: cứ mượn nợ, con cháu sẽ trả! Khi chúng ta hiểu được rằng chẳng thể kỳ vọng gì vào nhà trường và xã hội thì việc tự mình phải vươn lên, phải tự cứu lấy mình, phải tự bảo vệ mình sẽ trở thành chuyện hiển nhiên, không cần phải suy nghĩ.

Phải dậy, phải đốt đuốt, phải đi thôi. Ngay bây giờ! Người ta đã đi xa và đang đi nhanh lắm rồi.

--

Đuốt thì đốt rồi, nhưng... đi đường nào bây giờ? Bài dài rồi, mai nói tiếp :-).

Wednesday, November 20, 2013

8 bí quyết lấy lại sự tự tin


Tự tin không phải là đặc tính bẩm sinh của con nguời. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn thành công hơn trong việc đối mặt với người khác và hoàn thành tốt những công việc mà bạn đảm nhận.


1. Không nên lảng tránh cái nhìn của người khác
Rất nhiều lần, khi người nào đó hướng ánh mắt về phía bạn, bạn sẽ lập tức nhìn xuống hoặc quay đầu đi nơi khác. Hãy thôi đừng lảng tránh cái nhìn của người khác nữa! Người ta giao tiếp với nhau đâu chỉ bằng lời nói, cảm xúc của cả bạn và người đối thoại đều rất quan trọng. Tất nhiên đừng làm điều gì quá quắt và cũng đừng tìm mọi cách nhìn chòng chọc vào mặt người nói chuyện với mình.



2. Biến nỗi sợ thành hành động
Bạn thường tỏ ra hoảng loạn khi rơi vào tình huống mới. Đừng tiêu phí toàn bộ năng lượng và suy nghĩ của mình vào việc che giấu nỗi sợ hãi. Trái lại, hãy biến nó thành hành động: hãy trò chuyện, chủ động giao tiếp với những người khác…



3. Thiết lập quan hệ
Rất có thể, đối với bạn việc bắt chuyện với một người không quen biết hoặc thậm chí cả với người hàng xóm của mình cũng là điều hết sức khó khăn. Hãy tự nhủ rằng tất cả mọi người đều bồn chồn lo lắng khi phải tiếp cận những người lạ. Hãy buộc mình phải chủ động thiết lập mối quan hệ, thay vì liên tục lẩn tránh nó. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy yên tâm hơn và dễ dàng tìm được phương thức tốt nhất để nuôi dưỡng mối quan hệ này.



4. Lao mình xuống nước
Đừng ngại khám phá những môi trường mới và gặt hái những trải nghiệm mới. Dần dần, bạn sẽ có được khả năng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.



5. Tôi là người tuyệt vời nhất
Hãy nhắc đi nhắc lại "Tôi có thể làm được điều này!" hoặc "Tôi là người tuyệt vời nhất!". Những suy nghĩ tích cực như vậy thường mang lại kết quả tốt với rất ít rủi ro.



6. Mạnh dạn khẳng định mình
Tất nhiên, nói thật to chưa hẳn là một biểu hiện của cảm giác tự tin, nhưng điều này sẽ giúp khẳng định lại niềm tin của bạn. Thế chẳng tốt hơn là bạn cứ lí nhí trong mồm và lấy tay che miệng sao? Nhớ nhìn thẳng vào mắt người đối thoại với bạn.



7. Đừng chọn những mục tiêu không thực tế
Sự thiếu tự tin bắt nguồn từ cảm giác thường xuyên thất bại? Vậy thì đừng chọn cho mình hoặc chấp nhận những mục tiêu không khả thi!
Một trong những bí quyết then chốt của lòng tự tin chính là chủ nghĩa thực tế: Bạn cần biết rõ các khả năng cũng như những hạn chế của chính mình. Hãy chia nhỏ mục tiêu thành những giai đoạn chuyển tiếp nhỏ. Thành công trong những bước này sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu cuối cùng, với điều kiện là nó nằm trong khuôn khổ của sự hợp lý.



8. Hoàn thiện mình
Bao giờ cũng vậy, để hạn chế thất bại, bạn phải biết rõ các lỗi lầm của mình. Hãy phân tích chính xác nguyên nhân gây ra những sai lầm trong quá khứ, cả trong sự nghiệp cũng trong đời sống riêng tư.



Và để tránh lặp lại những chuyện không hay, bạn chỉ có một cách là hoàn thiện mình!


Sunday, November 10, 2013

10 QUY TẮC GIÚP ĐỌC NHANH.


Quy tắc 1: Đọc không lùi lại. Dù bài về khoa học kỹ thuật khó đến đâu cũng chỉ đọc một lần. Không được chuyển động mắt trở lại. Chỉ khi đã đọc xong và suy nghĩ về những điều đã đọc, mới có thể đọc lại bài nếu như thật cần thiết.


- Quy tắc 2: Đọc và hiểu thông tin theo khối thuật toán tích hợp. Phải thường xuyên nhớ nội dung của từng khối. Trong quá trình đọc, hãy tìm cách trả lời những câu hỏi tiêu chuẩn đề ra cho mỗi khối của thuật toán.



- Quy tắc 3: Đọc không phát thành tiếng. Đọc mà phát âm là kẻ thù của việc đọc nhanh. Hãy thực hiện các bài tập và gõ nhịp để nhịn phát âm. Khi thấy tốc độ đọc bị giảm cần phải luyện lại.



- Quy tắc 4: Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc. Khi đọc, mắt di chuyển theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới, theo dòng tưởng tượng đi từ giữa trang giấy. Hãy tập phát triển thói quen nhìn ngoại vi. Hãy đọc báo có cột hẹp, rồi đọc sách, sơ bộ vạch đường ở giữa trang bằng bút chì. Phấn đấu đọc một trang chỉ trong 10 – 15 giây, cố hiểu được nội dung chung. Tuỳ mức độ thành thục trong việc di chuyển mắt mà chuyển sang đọc hiểu cả trang sách chỉ trong 30 giây.



- Quy tắc 5: Tập trung tư tưởng thật cao độ khi đọc. Tập trung là chất xúc tác của quá trình đọc. Đọc nhanh lại càng đòi hỏi tập trung trí não với cường độ cao hơn để tư duy và nắm bắt vấn đề nhanh hơn.



- Quy tắc 6: Hiểu những điều đã đọc trong quá trình đọc. Khi đọc cần làm rõ các từ khoá, các điểm tựa suy lý, tức là các điểm tựa để hiểu bài và nhận thức vấn đề. Nhớ rằng khi đọc là quá trình tìm kiếm và xử lý ý tưởng và ý nghĩa.



- Quy tắc 7: Áp dụng các cách nhớ chủ yếu trong khi đọc. Mục đích của việc đọc để nhớ. Nhớ cái gì tuỳ theo mục đích đọc cần thiết của mình và chỉ nên nhớ những gì hiểu được. Không cần nhớ từng câu, từng chữ nhưng phải nhớ ý tưởng và ý đồ của tác giả cuốn sách.



- Quy tắc 8: Đọc với tốc độ biến đổi. Biết đọc với các tốc độ khác nhau cũng rất quan trọng. Có chỗ chỉ cần đọc lướt qua, song có trang thì nên đọc chậm lại để hiểu được thực chất vấn đề. Hãy biết chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc và đúng chỗ.



- Quy tắc 9: Phải thường xuyên luyện tập, củng cố không ngừng thói quen đọc.

Quy tắc 10: Đặt tiêu chuẩn đọc mỗi ngày 2 tờ báo, 1 tờ tạp chí và khoảng 50 đến 70 trang sách. 


Nguồn: petalia

Popular Posts